Năm 2018 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung của đất nước.
Theo đó, năm 2018, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hơn so với kế hoạch 2,4 tỷ kWh, tại miền Nam thiếu hụt nguồn cấp trầm trọng; trong khi đó, nguồn cấp khí đã bị suy giảm, vận hành không ổn định nên sản lượng khí cấp thấp hơn so với kế hoạch gần 450 triệu m3 (tương ứng 2,5 tỷ kWh); việc cấp than trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm. Đồng thời lưu lượng nước về các hồ thủy điện cuối năm ít, đặc biệt các hồ thủy điện miền Trung. Do vậy, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, EVN đã phải tăng huy động các nhà máy thủy điện, làm giảm mức nước dự trữ để cấp điện năm 2019, tương đương với 2,56 tỷ kWh.
Song song với đó, chi phí đầu vào tăng cao như: giá than nhập khẩu, dầu, biến động tỷ giá… làm chi phí mua điện của Tập đoàn tăng 7.011 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ tăng trên 4.000 tỷ đồng; thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp khó khăn, đặc biệt nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài…
Dù gặp nhiều khó khăn, song năm 2018, Tập đoàn đã đạt được nhiều thành tựu. Sản lượng điện sản xuất và mua năm 2018 đạt 212,9 tỷ kWh, vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh và tăng 10,36% so với năm 2017. Các nhà máy thủy điện đã đảm bảo phát điện và đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, trong đó đã cấp 5,74 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân cho đồng bằng và trung du Bắc Bộ…
Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu hiệu quả, một số chỉ tiêu hoàn thành trước 1 – 2 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2018 ước đạt 340.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017, trong đó doanh thu bán điện đạt gần 333.000 tỷ đồng (tăng 14,6%). Độ tin cậy cung cấp điện năm 2018 tốt hơn năm 2017, trong đó tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân (SAIDI) là 723 phút, giảm 30% so với năm 2017, chỉ số SAIDI của các đơn vị giảm từ 18-39,5% so với năm 2017. Tổn thất điện năng năm 2018 toàn Tập đoàn ước đạt 6,9%, tốt hơn 0,3% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Tất cả các tổng công ty điện lực thực hiện tốt hơn so với kế hoạch phấn đấu.
Được biết, trong năm 2018 vừa qua, chỉ tiêu tiếp cận điện năng của Việt Nam đã tăng 37 bậc, vươn lên vị trí thứ 27 trong 190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và đạt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 trước 2 năm theo yêu cầu của Chính phủ; dịch vụ khách hàng đạt cấp độ 4 về dịch vụ một cửa trực tuyến quốc gia. Từ tháng 12/2018, EVN cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 đáp ứng mọi dịch vụ khách hàng từ khâu đăng ký, nhận kết quả đến thanh toán 100% thông qua trực tuyến. Trong năm 2018, EVN được Fitch Ratings đánh giá và xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức BB, đây là mức tín nhiệm tích cực đảm bảo EVN có thể thu hút các nhà đầu tư và huy động vốn để đầu tư các dự án điện; được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đánh giá là Doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2018; được Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá là một trong các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin.
Ghi nhận những kết quả nói trên, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, EVN đã cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội, sinh hoạt, sản lượng điện thương phẩm vượt kế hoạch được giao; chất lượng phục vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến tốt, chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục có bước đột phá góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu tổn thất điện năng, năng suất lao động, độ tin cậy cung cấp điện…
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, năm 2019, Tập đoàn đặt mục tiêu điện sản xuất và mua đạt 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018, sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Độ tin cậy cung cấp điện: phấn đấu giảm SAIDI xuống 400 phút, về đích trước 1 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: 6,7% giảm 0,2% so với năm 2018, phấn đấu giảm xuống 6,5%.
Tuy nhiên, năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục là năm khó khăn với EVN do hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện, nhiều hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung không tích đủ nước dẫn tới sản lượng thủy điện thiếu hụt. Các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, trong đó giá than, giá khí trong bao tiêu dự kiến tăng trong năm 2019…
Vì vậy, để làm tốt vai trò là tập đoàn nhà nước chủ đạo, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức sản xuất phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành điện của Chính phủ; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, duy trì mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN 8,0 điểm và phấn đấu đạt ≥ 8,05 điểm. Đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực hoạt động… Đồng thời, làm tốt công tác bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ phù hợp với trình độ đất nước, tập trung xử lý tro xỉ của nhà máy nhiệt điện; kiên quyết không đầu tư dự án không đảm bảo môi trường sinh thái và chất lượng người dân./.