Dòng điện không tải của máy biến áp

Dòng điện không tải của máy biến áp là gì ? Cách thí nghiệm để xác định dòng điện không tải của một máy biến áp như thế nào ?

Dòng điện không tải

Khi máy biến áp được đấu vào nguồn điện, cuộn dây thứ cấp máy biến áp để hở mạch, trong cuộn dây sơ cấp máy biến áp sẽ có dòng điện không tải chạy qua.

Dòng điện không tải được ký hiệu là I0.

Khi máy biến áp vận hành không tải sẽ xuất hiện từ thông khép kín chạy trong lõi thép, do có từ trở nên lõi thép bị phát nóng gây ra tổn hao không tải. Tổn hao không tải được xác định gián tiếp qua số đo của dòng điện I0. Dòng điện không tải I0 cho biết mức độ tổn hao không tải của máy biến áp lớn hay nhỏ. Dòng điện không tải thường được tiêu chuẩn hoá với từng nhà chế tạo.

Độ lớn của dòng điện không tải phụ thuộc vào:

  • Chất lượng thép silic dùng để làm mạch từ có độ thẩm từ cao hay thấp.

  • Độ dày của lõi thép silic.

  • Chất lượng cách điện của lá thép.

  • Công nghệ chế tạo (đột dập, lắp ghép mạch từ …) tốt hay xấu.

Thí nghiệm xác định dòng điện không tải

Thí nghiệm không tải trước khi vận hành thường được làm như sau:

  • Dùng hợp bộ thử nghiệm làm thiết bị đo (hợp bộ K50 hoặc K540).

  • Tạo điện áp thấp ≈ 220V~ đưa vào cuộn dây máy biến áp có điện áp định mức nhỏ, cuộn dây còn lại để hở mạch.

  • Trong vận hành dòng không tải thí nghiệm I0 đo được không cần đúng bằng trị số thực mà chỉ dùng làm cơ sở để xác định xem cuộn dây của máy biến áp có bị chạm chập hay không. Nếu có hiện tượng chạm chập trong cuộn dây thì dòng điện không tải giữa các pha đo được sẽ bị lệch nhau và sẽ sai khác với dòng không tải của nhà chế tạo, lúc này không được phép đóng điện máy biến áp.

    Vì các từ thông 3 pha đi qua trụ giữa của lõi thép bị ngược chiều nhau nên tại trụ giữa từ thông sẽ có trị số nhỏ hơn từ thông của 2 trụ bên, dẫn đến dòng điện không tải của pha B nhỏ hơn dòng điện không tải của hai pha A và C. Dòng điện không tải của 2 pha bên A và C bằng nhau.

    Trường hợp khi làm thí nghiệm không tải bằng nguồn điện 1 pha cũng sẽ xuất hiện sự lệch dòng không tải tương tự như trường hợp thí nghiệm dòng không tải 3 pha nhưng nguyên nhân lại do trụ giữa (pha B) có tổn thất từ lớn hơn hai trụ bên (pha A,C).

    Chú ý: Trước khi làm thí nghiệm không tải người ta thường quay điện trở cách điện bằng Mêgômmét và đo điện trở 1 chiều của các cuộn dây bằng cầu đo, khi đó trên cuộn dây thường tồn tại một điện tích dư. Vì vậy trước khi làm thí nghiệm không tải cần phải khử điện tích dư bằng cách lần lượt chập tắt các cuộn dây của máy biến áp để bảo vệ thiết bị đo và tránh sai số của phép đo.

Tags: , , , , , ,