Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung – EMEC, Chi nhánh Tổng công ty Điện lực miền Trung-EVNCPC là 1 trong 8 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2018 cho hệ thống sản xuất, quản lý và kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ công tơ điện tử, thiết bị đo lường về điện, điều khiển điện tử và công nghệ thông tin.
Trước đó, Trung tâm đã được Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2018 của thành phố Đà Nẵng đánh giá và kết luận hồ sơ tham dự Giaỉ thưởng của Trung tâm đảm bảo đáp ứng theo 7 tiêu chí của Giải thưởng, đồng thời đề xuất Hội đồng Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ tặng Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2018 cho EMEC.
Đây là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hàng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế. Giải thưởng cũng là cái nôi xây dựng văn hoá, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.
Việc tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp doanh nghiệp có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm… Đây còn là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đạt giải thưởng quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
EMEC được EVNCPC giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, triển khai công tơ điện tử và các hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa từ năm 2001. Từ năm 2001, Trung tâm đã sản xuất và triển khai hơn 70.000 bộ đọc chỉ số công tơ cơ khí và truyền dữ liệu qua đường dây điện (công nghệ PLC).
Bà Phan Hoàng Thị Trâm, Phó Quản đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) phê duyệt và cấp phép cho 27 sản phẩm. Theo yêu cầu của thị trường, Trung tâm sản xuất 18 sản phẩm là các thiết bị đo đếm, các sản phẩm phục vụ đo chỉ số công tơ từ xa… với công suất 1 triệu sản phẩm/năm vào năm 2018.
Theo bà Trâm, trước đây sản phẩm của Trung tâm(EMEC) là mao mạch giao cho các đơn vị bên ngoài gia công, sau đó Trung tâm mới lắp ráp. Từ năm 2013, Trung tâm đã đầu tư hệ thống hàn dán linh kiện tự động và đến năm 2018 mở rộng nhà xưởng để sản xuất từ A đến Z.
EMEC-Là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất công tơ điện tử phục vụ đo đếm điện năng, đến nay, đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất thành công hầu hết các chủng loại công tơ điện tử, thiết bị đo xa đáp ứng được nhu cầu sử dụng trên lưới điện. Địa bàn phục vụ chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Trung. Đến cuối năm 2018, Trung tâm đã trúng thầu cung cấp 360.000 sản phẩm từ 1 pha đến 3 pha cho Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh.
Với 220 cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất làm 3 ca; trong đó có 2 ca chính và một xưởng sản xuất, gồm khu lắp ghép và khu hàn dán linh liện tự động, sản phẩm công tơ 1 pha được Trung tâm tiêu thụ nhiều nhất, với công suất 5.000 chiếc/ngày, để đáp ứng hơn 600.000 sản phẩm cho nhu cầu của EVNCPC.
Chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ công tơ điện tử và các thiết bị đo xa tăng dần qua các năm. Nếu năm 2015, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Trung tâm đạt hơn 139 tỷ đồng, thì đến năm 2018 đạt khoảng 403 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước tương ứng: 4,34 tỷ đồng và tăng lên 14,5 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ từ gần 474.677 sản phẩm tăng lên 812.508 sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Trần Dũng cho biết, sản phẩm công tơ điện tử của EMEC dù đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước, bước đầu tham gia xuất khẩu, nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số đối thủ cạnh tranh. Đó là các nhà sản xuất công tơ trong nước như: Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam, Công ty cổ phần Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng, Công ty Cổ phần Thiết bị điện Vi-na-si-no, Công ty Cổ phần Giải pháp quản lý năng lượng.
Cụ thể như Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) là đơn vị có bề dày sản xuất sản phẩm công tơ điện kiểu cảm ứng cung cấp cho thị trường Việt Nam. Đơn vị này đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường trong thời gian rất dài. Những năm gần đây GELEX chuyển sang sản xuất công tơ điện tử và sản phẩm, thiết bị, phần mềm, hệ thống truyền xa dữ liệu công tơ theo công nghệ RF, PLC, GPRS/3G …. Thị trường chủ yếu là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh và Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng tuy mới đi vào hoạt động từ đầu năm 1997 nhưng cũng sản xuất các sản phẩm chính như: công tơ điện tử, thiết bị, phần mềm, hệ thống truyền xa dữ liệu công tơ theo công nghệ RF, PLC, GPRS/3G …. Thị trường chủ yếu của công ty là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh.
Theo ông Dũng, do tính chất của việc liên doanh là nghiên cứu và phát triển, định hướng sản phẩm thì do công ty nước ngoài thực hiện, do đó việc làm chủ và cải tiến sản phẩm gần như rất khó khăn, khả năng tiết kiệm chi phí giảm giá thành cạnh tranh cũng gặp trở ngại. Toàn bộ nguồn nguyên vật liệu đầu vào sản xuất như linh kiện bán dẫn, chíp điện tử bị khống chế bởi đối tác nước ngoài. Trong khi đó Mỹ là thị trường nhập khẩu linh kiện chính của Trung tâm.
Do vậy, không bằng lòng với những gì đã đạt được, trong chương trình khoa học và công nghệ năm 2019, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã đăng ký triển khai thực hiện 7 đề tài, gồm: Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ cho chương trình Quản lý nhu cầu điện – DSM; Nghiên cứu, chế tạo thiết bị giám sát chất lượng điện năng; Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung thế; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện theo chuẩn CHAdeMO; Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng mô hình Robot phục vụ công tác lễ tân tại văn phòng Tổng công ty; Nghiên cứu xây dựng hệ thống sạc xe điện có tích hợp năng lượng mặt trời, phục vụ cho “Đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” và đề tài Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng hộ gia đình (HEM) kết nối điện mặt trời áp mái, phục vụ cho “Đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”.
Như vậy để đón đầu xu thế phát triển năng lượng xanh, sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, đầu năm 2018, Trung tâm đã triển khai tư vấn, thiết kế và lắp đặt các tấm pin mặt trời ở các công ty điện lực thuộc EVNCPC và lắp đặt gần 40 khách hàng bên ngoài. Hiện Trung tâm đang triển khai giai đoạn 3, lắp đặt xuống các điện lực huyện. Trung tâm cũng chuyển hướng nghiên cứu trạm sạc ô tô điện miễn phí tại văn phòng Tổng công ty để tháng 8 năm nay sẽ triển khai tới các tỉnh khu vực miền Trung.
Phó Giám đốc Trung tâm Ngô Huy Chiến cho biết, trong năm 2019, đơn vị sẽ lắp đặt 13 trạm miễn phí trên 13 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên với chi phí đầu tư khoảng từ 300-400 triệu đồng/trạm, bằng 1/2 so với chi phí nhập khẩu của Mitsubishi nhờ phần mềm tự xây dựng, thiết kế và trong nước gia công sản xuất được để chuẩn bị cho tuyến xe điện Hội An- Đà Nẵng sẽ được khai trương trong thời gian tới.
Ngoài việc sản xuất công tơ điện tử, Trung tâm (EMEC) còn cung cấp giải pháp đọc chỉ số công tơ từ xa qua sóng vô tuyến (RF) bằng thiết bị cầm tay, giúp phản ảnh nhanh chóng và chính xác lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng, đảm bảo chính xác việc ghi nhận chỉ số điện năng.
Việc Trung tâm (EMEC) cung cấp giải pháp thu thập tự động chỉ số công tơ từ xa (RF-SPIDER) cũng giúp xây dựng một hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa hoàn toàn tự động, giải quyết triệt để các nhược điểm của phương thức thu thập bằng thiết bị cầm tay Hanheld hiện nay. Đồng thời cung cấp đến khách hàng công cụ trực quan theo dõi tình hình sử dụng điện của mình tại một thời điểm bất kỳ ở hiện tại và quá khứ, đáp ứng lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, EMEC sẽ góp phần minh bạch trong kinh doanh điện năng, điều mà ngành điện đang hướng tới.
Với giải pháp thu thập và quản lý hệ thống đo đếm điện năng phục vụ thị trường điện mà Trung tâm (EMEC) đang cung cấp cũng góp phần nâng cao chất lượng điện tăng, tăng năng suất lao động, khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đây là công cụ hữu hiệu trong kiểm soát tổn thất truyền tải, dự báo nhu cầu phụ tải và giúp nâng cao năng lực quản lý của ngành điện.
Tags: emec cpc, emec đà nẵng, Doanh nghiệp google