Người Pháp dùng đèn thắp sáng đường phố Hà Nội
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam nhằm mở rộng thị trường, khai thác tài nguyên và khoáng sản ở nước ta để phục vụ chính quốc. Vì vậy sau khi củng cố xong triều đình nhà Nguyễn, “bình định” xong các lực lượng chống đối, thực dân Pháp tiến hành mở mang một số ngành công nghiệp thuộc địa, trong đó có ngành điện lực. Ban đầu chỉ là những nguồn điện nhỏ, tại chỗ dùng để thắp sáng và phục vụ cho các gia đình quan chức chính quyền thực dân Pháp và một bộ phận nhỏ quan lại người Việt Nam đương thời.
Vào thời kỳ này, ở trung tâm Sài Gòn – Gia Định đã có nguồn điện diezen, tại các đồn điền cũng có các máy phát điện nhỏ, chủ yếu dùng để thắp sáng. Tại Hà Nội, Hải Phòng, trên một số đường phố chính, ở cổng ra vào các công sở, dinh thự… Pháp cho người đi rót dầu vào các trụ đèn để thắp sáng qua đêm nhằm tạo ra một cuộc sống phồn hoa, văn minh giả tạo cho thành thị.
Vì sao Hải Phòng được xây dựng nhà máy điện trước Hà Nội?
Để khai thác thuộc địa được thuận lợi, nhân chuyến “ kinh lý” Bắc Kỳ, Toàn quyền Đông Dương J.L.De Lannessan đã nói: “Trong những công trình đã làm và sẽ làm phải chú trọng mở mang anh sáng điện và nước cho hai thành phố chính là Hà Nội và Hải Phòng để cải thiện sinh hoạt cho người Châu Âu ở Bắc Kỳ”.
Nhà máy điện và nhà máy nước được xây dựng đầu tiên ở Hải Phòng vào năm 1892, vì than Hòn Gai chở đến Hải Phòng vừa gần, vừa thuận tiện và giá than rẻ. Nhà máy điện và Nhà máy nước ở Hà Nội cũng được xây dựng năm 1894. Tiếp đó nhiều nhà máy điện, nhà máy nước khác cũng được xây dựng tại một số thành phố và đô thị ở nước ta. Các khu mỏ và xí nghiệp, thực dân Pháp cho đặt các cỗ máy ddieezen.
SIE, CEE và SIPEA – Ba Công ty điện lớn nhất ở Việt Nam thời Pháp thuộc
Trước năm 1900, ở Việt Nam có nhiều Công ty kinh doanh điện, nước của Pháp, trong đó có hai công ty lớn và quan trọng nhất, ở Bắc bộ là Công ty Điện Đông Dương (SIE) và Công ty Nước và Điện Đông Dương (CEE) ở Nam Bộ. Còn ở Trung Bộ sau này có Công ty Nước và Điện cho miền Trung (SIPEA). Các Công ty trên đây không chỉ độc quyền kinh doanh điện cho các đô thị mà còn độc quyền chỉ huy và điều hành công suất, sản lượng điện.
Theo bản giao kèo ký kết với Tòa đốc lý thành phố Hà Nội ngày 6/12/1892. Hermenier và Planté (thành viên của SIE) đứng ra khởi công xây dựng nhà máy điện bên cạnh Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm). Ngày 5/1/1985, Nhà máy điện Bờ Hồ (Thời ấy quen gọi là Nhà đèn) bắt đầu chạy thử và phát ra dòng điện một chiều với công suất 500 cv (sức ngựa) thắp sáng được 523 bóng đèn phục vụ nhu cầu người Âu ở Hà Nội. Tại đây đặt hai máy Farcots, công suất 350 cv/máy, một máy phát điện một chiều có điện thế 240 V và công suất là 1.500 kW (Nguồn: Lịch sử Nhà máy điện Hà Nội – tài liệu nội bộ – 1958).
Tham khảo:
Xây dựng nhà máy điện ở các tỉnh miền Bắc
Từ 1920 – 1930 các nhà máy nhiệt điện nhỏ và vừa ở Trung Bộ và Bắc Bộ lần lượt ra đời: Nhà máy điện Vinh (Bến Thủy), Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội), Nhà máy điện Cọc 5 (Hòn Gai), Nhà máy điện Thượng Lý (Hải Phòng), nhà máy điện Nam Định.v.v.
Đường dây tải điện Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Kiến An, Nam Định – Đồ Sơn.v.v. được lắp đặt khẩn trương. Đường dây quan trọng đầu tiên là đường Hà Nội – Hà Đông với dòng điện 3 pha điện thế 3.000 V, trên đường dây này có đặt một máy giao lưu cao tần phục vụ cho trạm vô tuyến Bạch Mai.
Xây dựng nhà máy điện ở miền Nam, miền Trung
Ở Sài Gòn, Công ty nước và điện Đông Dương (CEE) tiến hành xây dựng nhà máy điện Chợ Quán vào năm 1909, ban đầu chỉ phát ra dòng điện một chiều, về sau có cải tiến để phát ra dòng điện xoay chiều điện thế 120/208 V.
Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp ở Đông Dương, nhiều nhà tư bản Pháp muốn thâu tóm thị trường Việt Nam để kinh doanh làm giàu và thống trị. Nguồn điện và lưới điện lúc này được đầu tư xây dựng ngày một mở rộng. Ở Nam Bộ có nhà máy điện Chợ Quán công suất ban đầu 3.200 kV.
Việc mở rộng mạng lưới điện cũng được tăng cường cả ở Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều vùng ở Trung Bộ, Bắc Bộ. Ngày 24/11/1930, SIE đã ký bản giao kèo nhận cung cấp điện cho hầu khắp thị trấn Bắc Kỳ. Theo bản giao kèo này, SIE cần phải xây dựng những đường dây cao thế, có công suất dẫn điện lớn; cần có một chương trình trọng điểm và là một trung tâm phát điện lớn nhất của Bắc Kỳ (Central d Electricite).