An toàn điện-tuyên truyền

Tuyên truyền an toàn điện tại vùng sâu, vùng xa :

Do đặc thù trong lối sống, văn hóa, sinh hoạt của đồng bào ở những khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới nên việc tuyên truyền an toàn điện cho họ đòi hỏi phải có cách làm riêng để đạt hiệu quả cao nhất…

Tại nhiều nơi thuộc miền núi, vùng cao, nhất là những nơi mới được cấp điện, nhận thức về an toàn điện của người dân còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do địa hình, thói quen canh tác, nhiều nơi vẫn trồng cây cao, cây dễ đổ khi mưa bão, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; tình trạng đốt nương làm rẫy gần đường dây điện, gây sự cố mất điện, ảnh hưởng đến vận hành đường dây vẫn thường xuyên xảy ra… Vì vậy, việc tuyên truyền an toàn điện và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện ở miền núi, vùng sâu, vùng xa… luôn được ngành Điện đặc biệt chú trọng.

Tuy nhiên, ngành Điện gặp rất nhiều khó khăn do người dân ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa thường sống phân tán, thậm chí có nhiều khu vực, mỗi gia đình ở một quả đồi, cách nhau hàng km; giao thông đi lại khó khăn; người dân đi phát nương, làm rẫy suốt ngày, ít khi có mặt ở nhà.

tuyen-truyen-an-toan-dien
Tuyên truyền an toàn điện tại vùng sâu,vùng xa

Anh Tạ Quang Trung – Công nhân Điện lực Cao Lộc, Công ty Điện lực Lạng Sơn chia sẻ, do đặc thù về địa hình cũng như lối sống, rất khó gặp được người dân vào những ngày bình thường. Chính vì vậy, Điện lực thường xuyên phối hợp với chính quyền các thôn/bản; chính quyền xã, lồng ghép tuyên truyền an toàn điện trong các buổi họp, buổi sinh hoạt tập thể, tại các lễ hội… ở địa phương. Đây chính là dịp mà bà con ở các thôn/bản tập trung đông đủ, việc tuyên truyền dễ đạt hiệu quả cao. Tại các buổi lễ hội này, công nhân điện lực không chỉ hướng dẫn lý thuyết, mà còn trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cụ thể, tỷ mỉ, giúp bà con dễ hiểu, dễ nắm bắt và dễ làm theo.

Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, các đơn vị điện lực cũng phối hợp với chính quyền các địa phương, thường xuyên phát trên loa, đài, những thông tin cảnh báo về an toàn điện; treo, dán các tranh áp phích, phát tờ rơi giới thiệu về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm với các hình ảnh sống động, dễ hiểu tại những khu vực người dân hay qua lại hoặc tập trung đông như nhà văn hóa thôn, xóm…

Cũng theo anh Trung, với bà con ở các khu vực miền núi, vùng cao, công nhân điện lực ưu tiên hướng dẫn trực tiếp bằng cách “cầm tay, chỉ việc” kèm theo các hình ảnh trực quan, sinh động. Chính vì vậy, khi đi sửa chữa, kiểm tra lưới điện ở các bản vùng sâu, vùng xa, công nhân điện lực luôn mang theo các tờ rơi, sổ tay về an toàn điện, để kịp thời phát và hướng dẫn trực tiếp cho người dân địa phương, phòng khi… “gặp may” bà con ở nhà, không đi rẫy.
Anh Dương Văn Phong – Công nhân Điện lực Định Hóa (Công ty Điện lực Thái Nguyên) cho biết, do không thể hiểu hết tiếng dân tộc, công nhân điện lực thường xuyên kết hợp với trưởng thôn, trưởng bản hoặc những người trẻ tuổi biết tiếng Kinh cùng tham gia các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, hỗ trợ và kiêm phiên dịch. Đặc biệt, việc kết hợp với già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong thôn/bản để tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả là rất hữu hiệu, bởi ở nhiều dân tộc, tiếng nói của trưởng bản, già làng… có “sức nặng” rất lớn.
Ngoài ra, công nhân điện lực cũng thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc nơi mình quản lý, từ đó, hiểu hơn và dễ dàng hơn khi giao tiếp với bà con, công tác tuyên truyền vì vậy cũng  đạt hiệu quả cao…
Khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng những người “lính áo cam” ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức về an toàn điện cho bà con, bảo vệ an toàn cho khách hàng cũng như an toàn cho lưới điện quốc gia…

Tags: , , , , , , ,